Cập nhật thông tin chi tiết về Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Lai Châu mới nhất trên website Samthienha.com. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Du khách đến với Lai Châu sẽ được thăm các di tích lịch sử văn hoá, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên rừng núi trùng điệp và tìm hiểu khám phá văn hoá của các bản dân tộc, thưởng thức các làn điệu hát then, và các món ăn đặc sản núi rừng Tây Bắc…
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới ở phía Tây Bắc Việt Nam, với diện tích tự nhiên trải rộng hơn 9.000 km2, có địa hình đa dạng được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan đẹp tạo cho Lai Châu tiềm năng du lịch qúi giá để phát triển các loại hình du lịch như sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, mạo hiểm…
Hệ thống giao thông trong tỉnh tương đối thuận lợi, quốc lộ 4D nối Lai Châu với Lào Cai, có cửa khẩu quốc gia đường bộ Ma Lù Thàng tiếp giáp với Trung Quốc nên khả năng đón khách du lịch của Lai Châu trong tương lai rất lớn và thuận tiện kể cả khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế trực tiếp từ Trung Quốc khi tuyến đường Xuyên Á và hệ thống giao thông liên tỉnh được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh.
Trong các điểm di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng quan trọng ở Lai Châu phải kể đến động Tiên Sơn, Hồ Thầu, thác nước Tắc Tình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường); cảnh quan hai bờ sông Đà, động Ông Tiên (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ), động Tà Ngảo (xã Tà Ngảo – huyện Sìn Hồ); Dào San, suối nước nóng Mường So (thị trấn Mường So, huyện Phong Thổ), bia Lê Lợi, khu dinh thự Đèo Văn Long trên bờ sông Đà thuộc huyện Sìn Hồ, miếu Nàng Han ở huyện Phong Thổ…
Lai Châu là vùng đất sinh sống của 20 dân tộc anh em, gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, La Hủ, Giáy, Lự, Mảng Ư, Pù Ná, Kháng, Tày, Cống, Nùng, Si La, Mường, Hoa, Lô Lô, Xinh Mun. Người Thái, người Kinh, người Mông, người Dao… là những dân tộc có dân số chiếm tỷ lệ cao ở Lai Châu (dân tộc Thái chiếm khoảng 33,5%, dân tộc Mông khoảng 23,6%, dân tộc Dao chiếm khoảng 14,4%, dân tộc Kinh khoảng 11,2%, dân tộc Hà Nhì: 5,6%). Có những dân tộc mà Việt Nam chỉ có ở Lai Châu và Điện Biên như La Hủ, Mảng Ư, Si La, Cống. Mỗi dân tộc có truyền thống văn hoá mang bản sắc riêng tạo nên sự hấp dẫn cho du khách đến tìm hiểu và nghiên cứu.
Các dân tộc ở Lai Châu có bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội đậm chất dân gian hết sức hấp dẫn khách du lịch như: Lễ Hạn Khuống (Hạn Khuống giao duyên), Lễ hội mừng măng mọc (Kín Lẩu Nó), Lễ hội Then Kin Pang, Hội Hoa Ban, Lễ cúng bản của người Cống, Lễ hội Căm Mường, Hội bắt cá của người Kháng. Ngoài ra còn có một số lễ hội như lễ hội Gàu Tào là lễ hội giao duyên của người Mông ở huyện Phong Thổ, lễ hội Tủ Cải của người Dao ở Tam Đường, lễ hội mừng cơm mới của người dân tộc La Hủ vào dịp tháng mười đến tháng mười một âm lịch.v.v…
Lai Châu có các làng nghề dệt thổ cẩm ở huyện Tam Đường. Các sản phẩm thổ cẩm có nét hoa văn đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Các làng nghề mây tre đan ở Sìn Hồ với các sản phẩm bàn ăn, gùi.
Thế Phi – Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Bạn đang xem bài viết Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Lai Châu trên website Samthienha.com. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!