Một buổi sáng tinh mơ, khi thức dậy ở một nơi cách xa nơi mình đang ở khoảng 1930km, mình vẫn chưa thể định hình rõ là mình đang ở nơi nào, mình chỉ biết mình đang ở trên một chiếc xe lăng bánh từ từ lên mãnh đất địa đầu của tổ quốc. Mình đang ở sát biên giới Trung Quốc và chỉ cần đi qua vài ngọn núi là mình sẽ đặt chân đến nước Trung Quốc rồi.
VIDEO TRẢI NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG
VIDEO KINH NGHIỆM DU LỊCH BỤI HÀ GIANG
VIDEO CON ĐƯỜNG NGOẰN NGOÈO Ở HÀ GIANG
Hà Giang – Vùng đất thiêng, nơi địa đầu của tổ quốc. Người ta nói, đi Hà Giang một lần sẽ nhung nhớ Hà Giang một đời. Hà Giang với những ngọn núi đá tai mèo cao chót vót, cảnh vật nơi đây nên thơ hùng vĩ, xứng đáng là một bức tranh trữ tình để các nhà thơ, nhà văn, nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tác. Bởi vậy, khi lên đây rồi, có một nhà văn đã từng thốt lên:
Người quê em quanh năm vất vả
Sống trên đá và chết mòn trên đá”
Hà Giang, mỗi mùa có một nét đặc biệt riêng, nên đi Hà Giang vào mùa nào đẹp nhất? Điều này tùy vào cảm xúc của từng người, mỗi mùa sẽ cho bạn những cái đẹp riêng biệt.
Mùa Xuân Hà Giang đón chào cái tết rét muốt lạnh tê tái, lên Hà Giang vào mùa Xuân bạn phải đủ sức khỏe thì mới có thể tự mình chống chọi với cái rét được. Vào mùa Xuân, nhiệt độ của Hà Giang xuống rất thấp, đi du lịch Hà Giang vào mùa này tuy lạnh nhưng bù lại bạn có thể nhìn thấy tuyết rơi trên những mõm đá tai mèo, hoa đào nở rộ, nhìn thấy những cô gái, chàng trai người dân tộc Mông, Thái, Tày, Nung, Dao, Giấy mặc váy hoa, trang phục truyền thống đi hội chợ.
Mùa Hạ, khi những cơn mưa đầu mùa nhẹ nhàng kéo đến, Hà Giang dường như tỏ ra lạnh lùng hơn, vì vậy mà nó tê buốc thêm lần nữa, những cây ngô trên núi đá đã bắt đầu trổ màu xanh lá, những người phụ nữ dân tộc Mông cũng bắt đầu xuống núi cấy mạ còn đàn ông thì dắt trâu đi bừa.
Mùa Thu, lúa ở Hoàng Su Phì bắt đầu chín mọng, nếu đi Hà Giang vào mùa này, bạn có thể cùng với đồng bào người Dao, Tày xuống ruộng gặt lúa. Đây là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ mà trời đất đã ban tặng. Mùa Thu cũng là mùa của loài hoa tam giác mạch – loài hoa đẹp nhất xứ Hà Giang bắt đầu nỡ rộ, ngàn sắc hoa khoe sắc khiến lữ khách cảm thấy như lạc vào tiên cảnh. Ở Hà Giang, mùa du lịch là mùa thu vì mùa thu có lễ hội hoa tam giác mạch, đây là một lễ hội nỗi tiếng nhất của vùng đất thiêng này.
Mùa đông, Hà Giang như một hiệp khách, trở nên lạnh lùng, Hà Giang bắt đầu lạnh buốt đến tê tái. Lúc này, những cơn gió sẽ ùa ùa kéo đến, những trận mưa phùn cũng theo đó mà về đây, Hà Giang nhanh chóng trở nên trở nên đóng băng và có cả tuyết rơi. Nên đi du lịch Hà Giang vào mùa nào? Nếu như bạn nóng lòng muốn ngắm tuyết rơi, mùa Đông là mùa bạn nên đến Hà Giang.
Hà Giang là một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ, vậy nên, đi du lịch Hà Giang cũng đi theo cách riêng biệt, không đi theo lối thông thường. Để di chuyển lên Hà Giang bạn có các cách như sau:
Nếu điểm xuất phát của bạn là Hà Nội, từ Hà Nội bạn có thể bắt xe khách đi lên TP Hà Giang, thời gian di chuyển từ Hà Nội lên TP Hà Giang khoảng tầm 8 tiếng. Vì quảng đường khá xa nên bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ trước khi đi.
Sau khi đã ra Hà Nội, bạn cũng làm theo bước giống như những bạn ở ngoài Bắc lên Hà Giang, như vậy là ổn.
Ở Hà Nội, muốn lên Hà Giang bạn phải đi ra bến xe Mỹ Đình để mua vé xe. Bạn cũng có thể gọi điện đặt vé trước để có vé đi. Tại Hà Nội, mình thấy phương tiện di chuyển tốt nhất là Grab, Uber hoặc xebus, giá vé rất rẻ nên bạn có thể lựa chọn phương tiện này để ra bến xe Mỹ Đình mua vé.
Từ Hà Nội lên TP Hà Giang, theo kinh nghiệm du lịch bụi Hà Giang của mình thì bạn có thể lựa chọn các tuyến xe khách, tuy nhiên, mình khuyên bạn nên đi chuyến xe đêm tầm 8h đến sáng ngày lên TP Hà Giang thuê xe máy đi là vừa, vừa để thưởng thức cảnh đẹp ở Hà Giang nữa. Giá xe khách từ Hà Nội lên TP Hà Giang là 200K. Tại Hà Nội có những tuyến xe khách đi lên TP Hà Giang như sau:
Đây là tuyến xe mình chọn khi đi, đơn giản vì lúc đi mình có nhờ một người anh ở Hà Nội hỗ trợ, anh có giới thiệu cho mình tuyến xe khách Ngọc Cường. Đi tuyến xe này thì có đầy đủ wifi, an toàn đối với mình. Xe có nhiều loại, giường nằm, ngồi, ghế xếp cũng có, trường hợp bạn bị ngồi ghế xếp rất dễ xảy ra nếu như bạn không đặt vé trước.
Hà Nội 13h00 – 21h00 – 5h00
Hà Giang 11h20 – 21h00 – 5h00
Điện thoại: 0904 36 62 79 – 0936 78 82 79
Giờ xuất bến 20h30 tại Hà Nội, 20h35 tại Hà Giang
Điện thoại : Hà Nội : 0944 962323 – 04 37222588 Hà Giang : 0946 692323
Giờ xuất bến: Mỹ Đình 08h30-10h05-10h15-14h30-19h30
Gia Lâm 09h00-19h00
Lương Yên: 9h00-20h30 (có thể chuyển qua Giáp Bát, nên gọi hỏi trước)
Điện thoại : Hà Nội 0988 287741 – Hà Giang : 0989 416416
Giờ xuất bến :
Hà Giang 8h20-10h30-21h00
Mỹ Đình 7h30-9h30-21h00
Điện thoại : Hà Giang : 0946 445099 – 0912 848216 – 0948 773033
Mỹ Đình : 0946 445369 – 0983 823780 – 0946 509479
Giờ xuất bến: Mỹ Đình 5h – Bx Nước Ngầm: 17h-20h Hà Giang: 5h – 17h -20h
Điện thoại: 0985 605656
Sau khi đi xe khách lên TP Hà Giang, có lẽ lúc này bạn đã hơi mệt, hãy nghĩ ngơi một chút, ăn uống xong rồi bắt đầu thuê xe máy phượt Hà Giang.
Những địa chỉ bạn có thể thuê xe máy để phượt Hà Giang bao gồm:
Chỗ này có khoảng chừng 50 xe wave 110 đời mới, có sẳn giá cho bạn buộc đồ, chỗ nghỉ và cho mượn nón bảo hiểm kèm.
SĐT cô chú: cô Hồng 0165.398.2928 hoặc 0915.842.019.
Địa chỉ: số 10, phố phạm Hồng Thái, tổ 17, phường Minh Khai (chỉ cần báo với xe khách là xuống nhà cô chú Hồng Hào họ sẽ đưa anh em đến tận cửa).
Giá thuê chưa giảm: 200k/xe/ngày.
Địa chỉ: Số 31, Đường Nguyễn Thái Học – Tp Hà Giang
Số liên hệ: 0906.175.336
Địa chỉ: số 170 , đường Trần Hưng Đạo,Tp.Hà Giang
Số liên hệ: 0988. 470.863 or 0962.761.081
Rừng thông Yên Minh là một trong những cung đường đẹp của Yên Minh. Bạn chạy qua xã Cán Tỷ rồi tiếp tục chạy đến rừng thông. Rừng thông Yên Minh thu nhỏ lại và được xem như Đà Lạt thứ 2 nơi núi rừng. Ở đây, cây thông mọc lên xanh rì, vươn cao chót vót khiến những người lữ khách đi qua đây không thể nào không bị mê hoặc.
Vào mùa hoa tam giác mạch, Phó Bảng Yên Minh có những chùm hoa nở ngập tràn hai bên đường. Ở đây có những ngôi nhà cổ kính, với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, nếu bạn đi tiếp, trước mắt bạn sẽ là thung lũng hoa hồng và cánh đồng hoa tam giác mạch lớn nằm ven đường. Nếu đi thẳng Phó Bảng, bạn sẽ gặp Lũng Cẩm nơi chứa đựng thung lũng Sủng Là bình yên và hết sức xinh đẹp.
Đây là một địa điểm du lịch bụi Hà Giang tuyệt vời bạn nên ghé, ở nơi đây nổi tiếng với những vườn hoa khoe sắc, thung lũng Sủng Là được mệnh danh là một bông hoa giữa cao nguyên đá. Để hút hồn khách du lịch, Sủng Là hiện lên vẻ đẹp mộc mạc, bình dị với ruộng ngô xanh mướt, những dải hoa tam giác mạch đằm thắm, những ngọn núi đá tai mèo cao chót vót.
Là nơi tập trung rất nhiều dân tộc thiểu số như Lô Lô, Mông, Hán, thung lũng Sủng Là đã từng đi vào phim ảnh với một tác phẩm khá nổi tiếng “Chuyện của Pao”.
Dinh thự họ Vương là một trong những ngôi nhà cổ kính, với lịch sử vài trăm năm. Họ Vương hay còn gọi là Vương Chính Đức là một ông vua Mèo (Mông) rất giàu có thời bấy giờ. Ông vua này nhanh chóng giàu lên nhờ buôn bán thuốc phiện.
Dinh thự họ Vương mang kiểu kiến trúc độc đáo, chịu ảnh hưởng của 3 nền văn hóa: Việt, Trung, Pháp. Năm 1993, nhà nước công nhận Dinh họ Vương là di tích quốc gia, đến năm 2004, gia đình họ Vương đã cống hiến dinh này cho nhà nước bảo tồn, con cháu của ông vẫn sống gần khu dinh này.
Giá vé vào Dinh họ Vương hiện tại là 25.000VNĐ cho 1 người.
Nếu đã đi Dinh họ Vương rồi thì bạn có thể quay lại ngã 3 và rẻ vào Phố Là, Ma Lé rồi rẻ đến cột cờ Lũng Cú. Nơi đây chính là nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S, trên cung đường đi Mã Lé, bạn sẽ thấy một cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cỏ lau rất đẹp nằm trên sườn đồi. Đứng từ trên cột cờ Lũng Cú, bạn có thể nhìn được bao quát Hà Giang, đồi núi trùng trùng điệp điệp và hùng vĩ.
Lũng Cú nằm ở độ cao 2000m so với mực nước biển, ở đây chỉ có người dân tộc Lô Lô sinh sống, khi xuống chân cột cờ Lũng Cú, bạn có thể mua đồ lưu niệm và ngồi một bên quán cafe để ngắm hoàng hôn ở Lũng Cú, an bình, lãng mạn và thơ mộng.
Nghe đến phố cổ là lòng đã cảm thấy có một chút gì đó nôn nao và cổ kính, phố cổ Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề là núi bao bọc. Phố cổ Đồng Văn có tổng cộng 40 nóc nhà nằm xếp xếp nhau, khi trời bắt đầu dần chuyển sang tối, phố cổ bắt đầu lên đèn. Trầm tĩnh và im lặng.
Ngồi bên quán cafe phố cổ, nhâm nhi ly cafe và ăn hạt hướng dương với cái tiết trời lúc nào cũng lành lạnh, có một cảm giác gì đó rất là bình yên và trầm mặc. Phố cổ Đồng Văn có chút gì đó giống với phố cổ Hội An, vào buổi tối, những chiếc đèn lồng với đa màu sắc bắt đầu khoe tỏ rực rỡ, khiến cảnh vật nơi đây ngày càng trở nên huyền bí và ấm áp.
Nếu đi thằng vào bên trong bản, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà cổ vài trăm năm của người dân tộc Mông, những mỏm đá, hình ảnh những người dân tộc Mông cày cấy, deo mạ khi vào mùa. Cảnh tượng này tựa như một bức tranh vô cùng đẹp đẽ, rất lý tưởng để nhiếp ảnh gia tác nghiệp.
Đến phố cổ thì nhất định phải leo lên Đồn Cao Đồng Văn, từ phố cổ, bạn đi bộ khoảng 30 phút là đến Đồn Cao. Lên Đồn cao chỉ đi bộ vì đường này là đường kiểu leo núi, dốc đá cheo leo. Khi lên đến đỉnh, từ Đồn cao nhìn xuống, bạn có thể thấy được toàn cảnh thị trấn Đồng Văn, một bên là ruộng lúa, một bên là nhà và bao bọc xung quanh chính là những dãy núi tai mèo cao chót vót.
Đồn cao Đồng Văn chính là căn cứ chiến lược trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp. Nơi đây được coi như chứng nhân lịch sử, ghi chép lại một thời quá khứ oanh liệt mà hào hùng của dân tộc ta.
Đồn cao Đồng Văn cũng đã từng gắn bó với lịch sử của những năm 1959, khi người dân tộc Mông nổi dậy dành chính quyền, thành lập căn cứ giết cán bộ Việt Minh.
Nếu bạn ở lại phố cổ Đồng Văn vào đêm thứ 7 thì nhớ sáng ngày nên đi chợ phiên Đồng Văn. Chợ Phiên tụ tập rất nhiều dân tộc như Lô Lô, Thái, Tày, Nùng, Dao, Mông. Vào sáng chủ nhật, người dân từ trên núi xuống để mua thực phẩm dự trữ cho cả tuần. Đàn ông và phụ nữ dắt theo con để mua thức ăn cho chúng. Những em bé người miền núi mặt mày lấm lem, cô gái dân tộc trong bộ váy xòe hoa và những người đàn ông thích tụ tập lại để uống rượu, chơi trò chơi đo mía, bán heo bò, chó mèo, chim chóc…Tất cả đã tạo nên một nét văn hóa vô cùng miền núi, vô cùng đặc biệt.
Không có một từ nào có thể diễn ta nỗi vẻ đẹp tuyệt vời của đỉnh Mã Pì Lèng. Nơi có những ngọn núi cao trùng điệp điệp,với vực sâu thăm thẳm, nơi khiến con người ta chết mê chết mệt trước cảnh vật hùng vĩ này.
Để đi đến đỉnh Mã Pì Lèng, bạn từ Đồng Văn đi Mèo Vạc khoảng 20km là đủ, bạn đi qua con đường hạnh phúc (đèo Mã Pì Lèng) rồi sẽ thấy đỉnh Mã Pì Lèng. Đây là cung đường đẹp nhất xứ Đồng Văn và cũng chính là cung đường đẹp nhất tỉnh Hà Giang.
Từ đỉnh Mã Pì Lèng, bạn có thể nhìn ngắm dòng sông Nho Quế xinh đẹp, đang uốn lượn thành một dải ngân hà, lượn quanh khúc núi. Những lớp núi xám xịt, trắng xóa và huyền ảo, thẳm sâu hun hút, vừa khiến con người ta có cảm giác tê tái, sợ hãi, vừa khiến bạn cảm thấy vô cùng hùng vĩ và xa xăm.
Xa xa đỉnh Mã Pì Lèng, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà của người dân tộc thiểu số, buổi chiều, khói bếp nghi ngút tỏa ra khiến cảnh vật ở đây vốn đã hùng vĩ lại càng bình dị, một bức tranh thiên nhiên có sự hòa lẫn thân thiện giữa người và cảnh vật. Mọi thứ dường như đã được trời đất sắp sẳn cho. Và chuyện của chúng ta – những ngườli ữ khách chỉ là ngồi đó, ngắm cảnh vật bình yên, quen thuộc, nhắm nghiền đôi mắt lại và cảm nhân được cái hồn của trời đất ở nơi địa đầu tổ quốc này.
Núi đôi Quản Bạ tròn trị và đầy mê hoặc, núi thoạt nhìn giống như bộ ngực căn tròn của một thiếu nữ đang say giấc nồng. Giữa núi trời Hà Giang, núi đôi Quản Bạ hiện lên vô cùng hùng vĩ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng.
Hoàng Su Phì có 2 mùa đẹp nhất là mùa tháng 5 là mùa nước đổ và mùa tháng 9 là mùa lúa chín đều. Cảnh vật ở Hoàng Su Phì đẹp đến mê hồn. Tại Hoàng Su Phì, bạn sẽ nhìn thấy ruộng bậc thang bắt lên tận trời mây, xen kẽ vào đó là những ngôi nhà của người dân tộc ẩn nấu, khi chiều về, sắc mây trời lại quện chặt vào với khói bếp tỏa ra từ mái nhà dân khiến cho cảnh sắc lại trở nên thân thiện, bình dị và mộc mạc.
Đi Hoàng Su Phì, bạn nên lái xe máy qua Bản Luốc, Bản Phùng, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Hồ Thầu, Thông Nguyên vì khu vực này khá nhiều lúa chín, cảnh vật rất đẹp và hùng vĩ.
Nếu đi vào mùa lúa chín, bạn có thể cắt lúa chung cùng với người dân nếu bạn ở homestay.
Hoàng Su Phì là nơi có rất đông đồng bào dân tộc Dao, những cô gái và chàng trai Dao với trang phục đen đỏ kết hợp hài hòa khiến bao người ngây ngất. Lên Hoàng Su Phì khiến bạn chợt nhớ đến câu hát của thiếu nữ Dao:
Ngày nay, cây vải vẫn còn ở Hoàng Su Phì, tuy nhiên lúa ở đây lại mọc nhiều hơn, cảnh vật ở đây rất bình dị, nên thơ, khiến bao người đã đi rồi vẫn muốn quay trở lại. Hoàng Su Phì hỡi, Hoàng Su Phì ơi!!!
Lên Hà Giang rồi ở đâu? Đi đâu rồi về đâu? Đây là câu hỏi được khá nhiều bạn quan tâm. Bạn nên đi từ Hà Nội lên TP Hà Giang vào buổi tối để khi lên đến TP Hà Giang trời đã vừa sáng, lúc này bạn có thể hưởng thụ cái đẹp của Hà Giang. Thông thường điểm cuối nghĩ chân sẽ là Đồng Văn – Hà Giang, vì ở đây có nhiều cảnh đẹp. Hiện nay, nhà nghỉ ở Hà Giang khá nhiều, tuy nhiên, khách du lịch thường thích ở Homestay hơn vì được ở chung với người dân, tìm hiểu được nét văn hóa của người dân. Một số nhà nghỉ, homestay Đồng Văn, khách sạn ở Hà Giang bạn có thể tham khảo như sau:
Ở mức độ cao hơn, bạn có thể chọn ở khách sạn. Ở Đồng Văn, khách sạn lớn nhất là khách sạn Hoa Cương, khách sạn này nằm ngã 4 thị trấn Đồng Văn, khách sạn khá hoành tráng, có đầy đủ tiện nghi cho bạn. Giá ở khách sạn dao động từ 200K-250K/đêm.
Nếu bạn là người yêu những món ăn thì chắc chắn rằng bạn sẽ đặt ngay câu hỏi khi đặt chân đến vùng đất thiêng này, đi Hà Giang ăn gì? Đừng quá băn khoăn vì sẽ có rất nhiều món cho bạn lựa chọn.
Tại sao mình lại giới thiệu món cơm, đơn giản nó rất đặc biệt. Cơm ở Hà Giang khá đắt đỏ, một đĩa cơm có giá 60K nhưng bạn sẽ nhận được xứng đáng những gì bạn bỏ ra. Một đĩa cơm ở Hà Giang chỉ có tổng cộng 3 món chính là thịt, canh và cơm. Thịt ở đây là thịt heo, canh cải là chính và một bát cơm bự chà bá 😀 Mình cá là bạn sẽ không ăn hết được bát cơm đâu, vì bát cơm đó bằng hai người ăn cơ mà.
Nếu bạn ở nhà người dân (homestay), sẽ được ăn món này. Đây là một món ăn truyền thống của dân tộc Mông, nhìn giống xôi ở miền xui. Món này được làm từ bột là chính.
Đây là bánh độc đáo ở Đồng Văn, bánh này cũng được làm bằng bột.
Món này là món khá thú vị, cháo nấu chung với củ ấu tẩu được gọi là cháo ấu tẩu. Cháo này ăn rất có lợi cho sức khỏe, bổ xương khớp. Bạn có thể ăn món cháo này ở quán Mộc Miên, quán này ngon nhất ở Đồng Văn.
Ở Hà Giang mà không uống được rượu là phí cả một đời rồi, đã ở Hà Giang thì bạn bắt buộc phải biết uống rượu. Món rượu ngô men lá là rượu do người Mông tạo ra, món này nên uống trong nhà homestay uống cùng với người Mông để tăng hào khí.
Xôi 7 màu là loại xôi khá đẹp mắt, mình ấn tượng với loại xôi này là vì nó có 7 màu sắc khá đẹp. Đây là loại xôi của người Tày, xôi không phải được nhuộm màu để ra 7 màu mà được ngâm vào cây có 7 màu sắc.
Thắng cố là món ăn được nấu từ ruột non của con ngựa, món này được bán ở chợ phiên, tuy nhiên món này nhìn khá rợn, cần phải dũng cảm lắm mới ăn nỗi món này.
Phở ở Đồng Văn thì có gì khác với phở ở nơi khác? Khác chứ, vẫn là bát phở với bún và dò heo các kiểu, nhưng phở ở vùng cao ăn vào cảm thấy có mùi vị lạ, khi rắc thêm tí rau thơm thì thơm ngon lạ lùng.
Đi xe chậm và khi gặp người dân tộc bạn cần phải chú ý hơn nữa: Vì sao vậy, trong bộ óc của mình, còn lưu lại hình ảnh của những người dân tộc, họ đi xe kiểu như có kẻ cướp dí theo họ. Họ đi như điên và không cần phải chú ý đến người khác J Bạn có thể hình dung là người dân tộc họ đi xe họ chỉ để ý phía trước đường đi, chứ không quan sát xem hai ven đường có gì, vì vậy họ đi vèo vèo, bay trong gió các kiểu. Nên nếu bạn không giữ an toàn cho mình, bạn va vào họ thì người bay xuống vựt chỉ có thể là bạn. Đường di Hà Giang quanh co gấp khúc, vì vậy trong tất cả cung đường, bạn phải đi ở tốc độ bình thường và luôn ở trong trạng thái sẳn sàng thắng phanh vì xe ở đây chủ yếu là xe khách, và đường đi thì khá nguy hiểm.
Thuốc: Lên Hà Giang mang theo thuốc là không thừa, đặc biệt nhất vẫn là thuốc đau bụng, vì sao như vậy. Không biết vì mình là người trong nam ra bắc hay sao mà mỗi lần ăn xong một món ăn của người Hà Giang là mình lại đau bụng. Mình cũng hay thắc mắc thì có người đáp họ cũng bị y chang, nên mình ngầm hiểu có thể do việc nêm nếm ở người Hà Giang nó có khác với người dưới xui, nên nếu ăn không quen thì chắc chắn bụng sẽ bị đau. Khi ăn có nhiều người cũng bị dị ứng, đau đầu các kiểu. Mang theo thuốc là giúp bạn bảo vệ sức khỏe.