Thượng Hải được mệnh danh là “thủ đô của những câu chuyện ngôn tình” khi trở thành bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết, bộ phim. Thành phố này cũng là lựa chọn rất lý tưởng cho những ai đang có ý định tự đi du lịch Trung Quốc bởi kiến trúc độc đáo cùng những đặc trưng văn hoá không thể pha trộn.
Thượng Hải hiện đại và có nền kinh tế phát triển nhất ở Trung Quốc. Thành phố nằm ở duyên hải phía đông của nước này, nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường hàng không tới tất cả các tỉnh thành trong nước và sở hữu rất nhiều đường bay thẳng quốc tế. Do đó, mỗi năm, thành phố bên sông Hoàng Phố đón một lượng “khủng” khách quốc tế và là cửa ngõ trung chuyển để tiếp tục tham quan các thành phố khác ở Trung Quốc.
Do quá rộng lớn nên mỗi khi tự hỏi du lịch Trung Quốc nên đi đâu, nhiều người không khỏi băn khoăn. Một gợi ý không tồi cho bạn chính là Thượng Hải. Ảnh: Stormgeo
Thượng Hải có khí hậu ven biển, ẩm nhiều và mưa cũng nhiều. Thời tiết bốn mùa phân chia rõ ràng, mùa đông rất lạnh, có thể có tuyết rơi, còn mùa hè nóng bức có khi lên tới 40 độ C do tác động của biến đổi khí hậu. Sương mù cũng được coi là đặc sản của thành phố lớn nhất Trung Quốc này. Vì vậy, để tìm được một thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Thượng Hải sẽ khiến bạn đau đầu chút xíu.
Du khách thường tới đây vào 2 khoảng thời gian chính: cuối xuân đầu hè (tháng 3-4-5) khi thời tiết tạnh ráo, ấm áp, trăm hoa đua nở. Đặc biệt, Thượng Hải cũng trồng khá nhiều hoa anh đào và một số loài hoa ôn đới nở rộ vào mùa xuân rất lãng mạn và nên thơ. Thời điểm còn lại là mùa thu (tháng 10-11). Lúc này, trời khá mát mẻ, khô ráo, nắng nhẹ và cũng là lúc mà những hàng cây ngô đồng – đặc sản của những con phố cũ rêu phong ở Thượng Hải – ngả sắc vàng tình tứ.
Nếu tự đi du lịch Trung Quốc, bạn nên đặt vé tránh ngày Quốc tế lao động 1/5 và tuần lễ Quốc Khánh Trung Quốc (1-7/10) bởi thời gian này mọi hoạt động giao thông đều gần như tê liệt do lượng khách về quê và du lịch rất đông. Giá vé cũng rất cao và không dễ mua.
Thượng Hải sở hữu hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất thế giới nên bạn sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng xem nên lựa chọn phương tiện di chuyển nào, nhất là với khách tự đi du lịch Trung Quốc. Bất kỳ điểm đến nào trong thành phố này cũng có thể được tiếp cận bằng phương tiện công cộng một cách tiện lợi từ tàu điện ngầm cho tới xe bus. Ngay tâừ khi bước chân xuống sân bay quốc tế Pudong, bạn đã có thể đón chuyến tàu cao tốc Maglev có tốc độ “kinh hoàng”, đạt tới 430 km/h, đưa du khách có mặt ở trung tâm thành phố chỉ sau 7 phút với quãng đường hơn 30 km.
Ngoài ra, với khách đi tự túc, bạn có thể trải nghiệm loại hình bus hop on hop off vốn rất phổ biến ở các thành phố du lịch. Du khách sẽ lựa chọn 2 hạng vé là 24h và 48h, không giới hạn số lần lên xuống, xe sẽ di chuyển theo 3-4 cung đường để khám phá từng ngóc ngách ở Thượng Hải. Giá vé khá cao nhưng sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều, hơn nữa bạn lại có thể cảm nhận không khí nơi đây một cách trọn vẹn nhất do tầng 2 của xe là mui trần.
Nhiều khu vực ở Thượng Hải vẫn mang dáng dấp Châu Âu cổ điển. Ảnh: Booking
Từ thời xa xưa, Thượng Hải là một phần của huyện Tùng Giang, thuộc phủ Tô Châu. Từ thời nhà Tống (960-1279), nơi đây trở thành một hải cảng sầm uất. Dưới thời vua Càn Long nhà Thanh, Thượng Hải là một cảng quan trọng của khu vực sông Trường Giang và sông Hoàng Phố nói riêng và của vùng Giang Nam nói chung. Thậm chí, cuối triều đại này, Thượng Hải là hải cảng lớn nhất vùng Đông Á.
Tới thế kỷ 19-20 với sự hiện diện của người phương Tây và những cuộc chiến tranh nổ ra, thành phố này là nơi tụ họp của giới trí thức cũng như giang hồ tứ xứ. Dưới thời Trung Hoa dân quốc, nơi đây từng là trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới chỉ sau New York và London, đồng thời là trung tâm thương mại lớn nhất khu vực Viễn Đông. Thời kỳ này là giai đoạn hoàng kim nhất và góp phần tạo nên nét văn hoá rất riêng, vừa kiêu kỳ sang trọng, vừa oai hùng hào sảng của thành phố bên dòng Hoàng Phố.
Sau giải phóng, Thượng Hải từng tụt hậu cho tới trước khi được vực dậy nền kinh tế vào năm 1992. Thành phố trở thành đặc khu kinh tế thứ 3 của Trung Quốc chỉ sau Thâm Quyến và Quảng Châu nhưng nhanh chóng vượt mặt hai nơi này để trở thành thành phố phát triển nhất đất nước tỷ dân.
Lịch sử nơi đây chưa từng yên ả. Nhưng cũng chính việc chính trị bất ổn đã khiến Thượng Hải mang trong mình những nét văn hoá đa tầng đan xen mà không nơi nào có được.
Người yêu vẻ đẹp kiến trúc và đang băn khăn du lịch Trung Quốc nên đi đâu thì hẳn sẽ phải lòng Thượng Hải ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi sự pha trộn nhiều phong cách một cách hài hoà và duyên dáng tới vậy. Nổi bật nhất là 3 trường phái: kiến trúc thời phong kiến, kiến trúc thời dân quốc và kiến trúc hiện đại. Tất cả hiện diện trong cùng một tổng thể mà không gây ra cảm giác lộn xộn, khó chịu mà chỉ tôn thêm vẻ đẹp cho nhau.
Vườn Dự Viên và miếu Thành Hoàng đón lượng khách cực khủng mỗi ngày. Ảnh: Kryz-Uy
Ngày nay, vườn Dự Viên và cụm công trình xung quanh đó trở thành điểm tham quan du lịch quan trọng nhất ở Thượng Hải. Toàn bộ khu vực rộng tới 2 hecta, lầu các so le, núi đá cheo leo, cây cối xanh biếc, hồ nước mang vẻ đẹp tĩnh mịch thanh tú. Tới đây, du khách sẽ mua vé vào cửa tham quan phía trong nhà. Bên ngoài khu vườn là Miếu Thành Hoàng, cùng với tổ hợp các nhà hàng, khu mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ, tạo thành một điểm du lịch đông vui, tấp nập bậc nhất đất Thượng Hải.
Người ta thường nói rằng, ” nếu muốn biết Trung Quốc 100 năm qua như thế nào, thì hãy tới Thượng Hải“. Quả thật, thành phố này mang trong mình đầy đủ vết tích lịch sử của một Trung Hoa đầy biến động suốt một thế kỷ qua và giờ đây, vẫn còn in hằn trên những công trình kiến trúc. Nếu yêu thích các công trình mang dáng dấp châu u thì bạn có thể ghé qua khu tô giới Pháp mà ngày nay còn có một tên gọi khác, là khu Tân Thiên Địa. Đây là một khu phố cũ, được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Các toà nhà, những con hẻm nhỏ, khu dân cư, rạp hát… đều gợi nhắc cho du khách về những công trình phương Tây thập niên 20-30. Hàng cây ngô đồng được trồng thẳng tắp dọc theo những con phố gạch cũ rêu phong sẽ khiến du khách lạc bước “xuyên không” về một thời Thượng Hải xa xưa trong những bộ phim thời dân quốc.
Đến thành phố này, chắc chắn bạn không thể bỏ qua Bến Thượng Hải – nơi chứng kiến biết bao cuộc chia ly, đoàn tụ và cũng là bối cảnh huyền thoại từng gây ấn tượng với đông đảo công chúng yêu điện ảnh qua các tác phẩm kinh điển, một trong số đó là bộ phim “Bến Thượng Hải”. Hiện nay, khu vực này được quy hoạch thành điểm du lịch, trở thành con đường đi bộ lãng mạn bên dòng sông Hoàng Phố.
Còn nhắc tới Thượng Hải hiện đại thì chắc chắn phải nói tới công trình mang tính biểu tượng của thành phố này – Tháp Đông Phương Minh Châu. Toà tháp truyền hình cao 468m được xây dựng vào năm 1991 và hoàn thành năm 1995, từng là toà tháp cao thứ 3 thế giới.
Khu phố cũ ở Thượng Hải mang trong mình vẻ đẹp cổ kính, rêu phong. Ảnh Kryz-Uy
Không chỉ chinh phục các kỷ lục về chiều cao, Đông Phương Minh Châu còn là biểu tượng của một Trung Hoa phát triển. Tháp có 3 quả cầu, kích thước khác nhau, trong đó có 2 quả lớn ốp kính màu hồng, bố trí dọc theo thân tháp. Công trình này được xây dựng mô phỏng một câu thơ Đường nổi tiếng, đại ý là “hạt châu lớn, hạt châu nhỏ đặt trên đĩa ngọc”. Đông Phương Minh Châu có 3 tầng quan sát, 1 nhà hàng xoay ở độ cao hơn 200m, phòng triển lãm, nhà hàng và khách sạn. Dù là đi theo tour hay tự đi du lịch Trung Quốc thì bạn cũng có thể dễ dàng tham quan địa điểm này.
Thượng Hải nằm gần khu vực Giang Nam xưa và là một cảng biển nên phong cách ẩm thực sẽ vừa kết hợp giữa các món ăn vùng hạ lưu sông Trường Giang và các món thuỷ hải sản chế biến theo phong cách Trung Hoa.
Món ăn Giang Nam phải kể đến đầu tiên là thang bao (bánh bao nước) với một phiên bản kinh điển là chiếc tiểu long bao (xiaolongbao) xinh xắn. Chiếc bánh được làm rất tài tình, bên trong có một lớp nước súp nóng hổi, viên thịt đậm đà, vỏ bánh dai mềm. Còn nếu thích thưởng thức loại đặc trưng hơn, chỉ có ở Thượng Hải, thì bạn phải tìm đến các cửa tiệm ở Dự Viên, nơi có những chiếc thang bao to và phải dùng ống hút mới lấy được phần nước bên trong.
Ngoài các loại bánh bao, du khách tự đi du lịch Trung Quốc còn có thể thưởng thức các món đặc trưng khác của Thượng Hải như trà trứng, vi cá, mì sốt dầu hành, củ sen nhồi cơm nếp…
Các món thủy hải sản chế biến kiểu Trung Quốc luôn được du khách tới Thượng Hải yêu thích. Ảnh: Pixabay
Đặc biệt hơn những thành phố còn lại ở Giang Tô, Thượng Hải còn sở hữu các đặc sản như cua lông hồ Dương Trừng. Đây chính là những con cua sống trong hồ Dương Trừng nổi tiếng bởi vẻ ngoài kỳ lạ, toàn thân phủ đầy lông màu xanh biếc nổi bật. Đặc biệt, càng chúng to ấn tượng, thịt cua còn rất ngọt mát, mềm mà không hề bị nát. Nhưng không chỉ có hương vị, cách ăn cua lông cũng tạo nên phong cách sang chảnh của quý tộc Thượng Hải. Đó là khi lấy lớp thịt cua bên trong, vừa phải lấy hết mà không làm nát vụn phần bên ngoài, thật không dễ dàng.
Một Thượng Hải đẹp và sang chảnh, vừa hiện đại vừa phảng phất nét buồn thời gian, đang chờ bạn tới khám phá. Tin tôi đi, chắc chắn bạn sẽ phải lòng thành phố này ngay từ lần đầu gặp gỡ. Đừng chờ đợi thêm nữa khi nơi ấy có quá nhiều thứ để yêu thương. Hãy liên hệ với chúng tôi để biến giấc mơ thành hiện thực.
Đánh giá bài viết