Những hành động “đẹp và chưa đẹp”
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL VN chia sẻ, tại Hội chợ Du lịch Việt Nam VITM năm 2016, chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” đã được phát động. Sau chiến dịch này, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát động chiến dịch ứng xử văn minh trong các hoạt động xã hội. Ông khẳng định: “Một năm nhìn lại chiến dịch này, có những điều đã làm được, có nhiều điều chưa làm được. Khi ứng xử của người Việt Nam khi đi du lịch trong và ngoài nước, có sự thay đổi hành vi thì chứng tỏ xã hội đã thay đổi, cái đó không chỉ tốt cho ngành Du lịch mà cả xã hội”.
Trong 1 năm qua, cả ngành Du lịch, cơ quan quản lý du lịch và HHDL các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, những người làm Du lịch đã chủ động, tích cực vào cuộc triển khai chiến dịch trong cả nước, góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận du khách Việt Nam vẫn thiếu ý thức khi đi du lịch, với nhiều hành động đáng lên án, như hai thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La tháng 10/2016. Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (TP Huế) là bảo vật quốc gia, nhưng đang bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên. Du khách xả rác ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt dịp đầu năm 2017 hay ăn mặc phản cảm khi đến các điểm du lịch tâm linh…
Để cùng xây dựng chuẩn văn hóa thì cũng cần những bộ lọc từ chính cộng đồng, đó là ý của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi. Ông Lợi dẫn chứng, khi Hà Nội phát động chương trình “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, người dân có thể cùng đóng góp nội dung cho trang “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”, cùng nêu vấn đề và đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, ông cũng bất bình khi thấy “trên bìa một tạp chí, một Á hậu ngồi lên đầu rùa đội bia tiến sĩ. Điều đáng phê phán không phải chỉ dành cho người mẫu, mà cả người chụp, và người đăng tải hình ảnh ấy lên trang bìa”. Theo ông, việc chấn chỉnh các hành vi phản văn hóa cũng phải đi kèm với việc tôn vinh vẻ đẹp để mọi người có thể noi gương.
Những hành động kịp thời
Điều đáng ghi nhận, sau khi chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được triển khai, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhân dân và du khách. Tiêu biểu, tháng 7/2016, Đà Nẵng phát hành 5000 Bộ Quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung, trước đó đã ban hành Bộ Quy tắc bằng tiếng Anh và tiếng Việt, phát video quy tắc tại nơi công cộng. chúng tôi đã phát hành 150.000 bản quy tắc ứng xử, với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…
Tới đầu tháng 3/2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch. Đây là lần đầu tiên ngành VHTTDL ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước. Ông Nguyễn Quý Phương (Vụ trưởng Vụ Lữ hành, TCDL) cho rằng: “Việc triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các địa phương sẽ tạo ra định hướng tốt, giảm thiểu tích cực các hình ảnh chưa được đẹp của khách du lịch. Đồng thời tạo ra được nếp sống, một hành vi ứng xử của con người, điểm đến Việt Nam với khách du lịch, để khách du lịch quốc tế tôn trọng hành vi, nét đẹp văn hóa của chúng ta”.
Theo kế hoạch, Bộ Quy tắc này sẽ được in ấn và phát hành rộng rãi tới các doanh nghiệp du lịch, bởi theo ông, sự tham gia của các công ty du lịch cùng HHDL Việt Nam có vai trong việc dẫn dắt, đồng hành cùng khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch và cộng đồng du lịch.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đã khẳng định không thể coi Bộ Quy tắc ứng xử là “chiếc đũa thần” để có thể nâng cao hiệu quả hình ảnh du khách Việt Nam ngay lập tức mà phải huy động mọi nguồn lực cùng tham gia, tạo ra hiệu quả cộng hưởng khi đi du lịch. Ngành Du lịch sẽ không chỉ dừng lại một chiến dịch thực hiện trong giai đoạn ngắn mà phải thực hiện thường xuyên, bền bỉ, bởi mỗi hình ảnh công dân cũng là đại diện một quốc gia, đó là nâng cao vị thế quốc gia khi đi nước ngoài.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh: “Nếu như năm 2016, ngành Du lịch tập trung chấn chỉnh cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam thì năm 2017, chúng tôi gọi là “năm lữ hành”, tập trung chấn chỉnh các hoạt động lữ hành trên địa bàn cả nước để tạo ra sự chuyển biến tích cực trong kinh doanh, đồng thời nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam”. Bởi xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách cũng là cách để nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.