Về xứ võ Bình Định, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đến vãn cảnh chùa Nhạn Sơn (hay còn được gọi là chùa Ông Đỏ Ông Đen). Đây là một di tích lịch sử ghi dấu sự giao thoa giữa văn hoá Chăm bản địa và văn hoá Việt. Chùa Ông Đỏ Ông Đen tọa lạc trong một không gian thanh bình với cảnh trí thơ mộng, nép dưới bóng vườn xoài cổ thụ, lưng dựa vào núi Long Cốt, trước chùa là một hồ sen lớn. Đến đây bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai bức tượng Ông Đỏ và Ông Đen được đặt giữa chính điện. Cả hai bức tượng được tạc bằng đá nguyên khối khối liền nhau, được tạo hình rất sống động. Hai pho tượng cổ này có từ thời người người Chăm còn ở thành Đồ Bàn (thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu ngày nay). Do chiến tranh, hai pho tượng đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng trăm năm, sau đó được người Việt phát hiện, đào lên và thờ dưới tên gọi Ông Đỏ, Ông Đen. Ngày nay, câu chuyện hai pho tượng ở chùa Nhạn Sơn được Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là câu chuyện chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho sự tiếp biến văn hóa Chăm – Việt.
Đến vãn cảnh chùa Nhạn Sơn, bạn không chỉ có dịp mở mang kiến thức về văn hóa mà còn như được tìm về chốn thiền môn, tận hưởng những phút giây thanh tĩnh trong tâm hồn, lắng trong lời kinh tiếng kệ và nghe kể về sự tích ông Đen, ông Đỏ sẽ là những trải nghiệm thú vị mà bạn không thể quên.
Trong hành trình tâm linh, bạn hãy đến với Chùa Thập Tháp, đây là ngôi chùa cổ nhất được xây dựng vào thời Lê – Nguyễn thuộc phái Lâm Tế, đã được hơn 300 năm tuổi. Nơi đây được du khách biết đến bởi kiến trúc cổ kính bề thế, cùng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, trong chùa lưu giữ Hòn Đá Chém. Tương truyền “Hòn Đá Chém hiện làm bậc cấp Phương trượng, do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và Tháp Cánh Tiên”.
Ngoài ra, trong chùa hiện còn lưu trữ được nhiều tạng kinh khắc gỗ và in giấy, số tạng kinh gỗ có tới trên 1.500 bảng, kinh giấy có 389 bộ. Đến vãng cảnh chùa vào một dịp may, bạn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập các bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú…
Điểm đến cuối cùng, cách chùa Thập Tháp khoảng 22km theo hướng quốc lộ 19B và tỉnh lộ DT640 chính là chùa Linh Phong (hay còn được gọi là chùa Ông Núi). Đây là một trong những ngôi chùa cổ và nổi tiếng nhất tại Bình Định. Để đến được cổng chùa Linh Phong, từ dưới chân núi, du khách đi bộ trên con đường đất pha cát mịn màng và thoáng đãng. Sau đó, các bạn phải đi bộ qua hàng trăm bậc đá nằm trên các cung đường uốn lượn như rồng bay từ chân núi Bà lên, với độ cao hơn 100m. Từ đây, bạn có thể nhìn dãy núi Bà hùng vĩ, oai nghiêm, cảnh làng quê thanh bình dưới chân núi, xa xa là toàn cảnh bán đảo Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội bên đầm Thị Nại.
Mới đây, vào tháng 11-2017, trong khuôn viên chùa Ông Núi, tượng Phật Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á hiện nay (chiều cao 108 m tính cả bệ tượng, đường kính chân tượng 52 m) được khánh thành. Nơi đây đang dần trở thành một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Đến chùa ông Núi vào dịp 24, 25 tháng giêng bạn sẽ được hòa chung không khí du xuân, cầu nguyện rộn ràng của lễ hội chùa Ông Núi.
Ngoài những điểm đến du lịch tâm linh, Bình Định còn vô số những điểm đến hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua, bạn có thể tự do khám phá nét kiến trúc độc đáo của những ngôi tháp Chăm, tham quan bảo tàng Quang Trung để tìm hiểu về nơi sinh ra Tây Sơn Tam kiệt cũng như chiêm ngưỡng những hiện vật và cổ vật làm nên những trang lịch sử hào hùng của vùng Đất võ lừng danh… hay thỏa sức bơi lội trong làn nước biển trong xanh để cảm nhận được vẻ đẹp của biển Quy Nhơn, Eo Gió, Kỳ Co (Nhơn Lý), Hòn Khô (Nhơn Hải), đảo Cù Lao Xanh… Mời bạn hãy đến với Quy Nhơn – Bình Định và thưởng thức nhiều món ngon đặc sắc như là món quà thiên nhiên và tấm lòng của người Bình Định dành tặng cho du khách.
Tác giả bài viết: Lê Chi – TTTTXTDLBD
Đặc biệt, khi đến chùa bạn sẽ có dịp viếng thăm hang Tổ – là một vách sâu do các hòn đá lớn chồng lên nhau tạo nên, nơi mà ngày xưa Lê Ban, tức thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì – người đã sáng lập ra chùa Ông Núi chọn làm nơi tu hành.