Top 8 # Kinh Tế Du Lịch Biển Việt Nam Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 3/2023 # Top Trend | Samthienha.com

Phát Triển Kinh Tế Biển Việt Nam

Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh_Ảnh: TTXVN

Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam

Về phát triển giao thông đường biển

Nước ta có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa cho phép vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc, cũng như đi đến các nước trong khu vực và thế giới. Bờ biển dài và khúc khuỷu, với 114 cửa sông, khoảng 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Với vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng biển; không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển thuận lợi để phát triển các khu kinh tế.

Về khai thác và chế biến khoáng sản

Vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Đặc biệt, tiềm năng dầu khí phân bố trong 6 bồn trầm tích và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Thời gian qua, ngành dầu khí luôn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung. Ngoài ra, ven biển nước ta đã phát hiện được các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý, như: titan, ziacon, xeri. Một số mỏ cát vật liệu xây dựng dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng trên 100 tỷ tấn và một dãy cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Bên cạnh đó, tiềm năng tài nguyên nước biển cũng rất lớn, với các dạng năng lượng biển, như: băng cháy, năng lượng thủy triều, năng lượng sóng, năng lượng hạt nhân nước nặng từ nước biển.

Về khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản

Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta có độ phong phú cao. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ tính riêng cá biển, có hơn 2.000 loài khác nhau đã được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế; có 15 bãi cá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng ven bờ. Theo các số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hằng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có trên 37 nghìn héc-ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu, như: tôm, cua, rong câu… Ngoài ra, còn có hơn 50 nghìn héc-ta các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong,… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.

Về phát triển du lịch biển

Đường bờ biển dài trên 3.260km và hàng nghìn hòn đảo ven bờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển. Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới, như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, vịnh Hạ Long. Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển, đảo đã tạo ra những tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh cho du lịch biển Việt Nam. Vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia, đặc biệt từ các quốc gia có mùa đông lạnh tới nghỉ dưỡng, tắm biển. Những năm gần đây, ngành du lịch biển, hải đảo Việt Nam đang trên đà phát triển, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Những thách thức trong phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay

Một là, nhận thức chung về phát triển bền vững đất nước dựa vào tiềm năng biển, đảo còn chưa sâu sắc, chưa đầy đủ. Cùng với đó, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các khu kinh tế ven biển còn tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vẫn còn nặng tư duy khai thác tự phát, chưa thực sự coi biển là ngôi nhà chung, do vậy sống nhờ biển hơn là dựa vào biển mà giàu lên, khai thác chưa thực sự gắn liền với bảo tồn, phát triển.

Hai là, kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng thấp, kém bền vững. Các cảng biển, các khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn… Hiện nay, hầu như tỉnh nào ở ven biển cũng quy hoạch cảng biển, nhưng không đủ kinh phí xây dựng, nên nhiều công trình dang dở; một số địa phương xây dựng cảng nhưng không thể khai thác, sử dụng, vì tính toán không hợp lý, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Ba là, các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư xứng đáng; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng, như: quản lý tổng hợp dải ven biển, quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển chưa chú ý nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển tiên tiến trong khai thác tài nguyên biển.

Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu là ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên. Ngoài ra, công tác quản lý, giám sát việc khai thác nguồn lợi biển còn nhiều yếu kém. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân vùng ven biển.

Sáu là, môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển được đổ ra biển, một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ. Đặc biệt, việc Trung Quốc mở rộng, tôn tạo trái phép các bãi rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo…, khiến cho môi trường rạn san hô ở đây bị phá hủy vĩnh viễn, nguồn lợi thủy sản suy thoái đến mức khó có thể phục hồi và nghề cá khu vực có nguy cơ đổ vỡ.

Một số giải pháp phát triển kinh tế biển Việt Nam theo hướng bền vững

Trước hết, cần xây dựng một quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính tổng hợp với phương thức tiếp cận sinh thái. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế biển xanh bằng việc bảo đảm tối ưu hóa các lợi ích. Tăng cường tính liên ngành trong phát triển và quản lý kinh tế biển vì lợi ích chung và lâu dài qua các công cụ chính sách, quy hoạch lồng ghép. Phối hợp thành lập và quản lý các khu bảo tồn ven biển và hải đảo để bảo toàn chức năng sinh thái của vùng biển và nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển biển bền vững.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các hành vi gây hại đối với môi trường và tài nguyên biển, cũng như cách ứng xử, đối phó với thiên tai, kiểm soát tốt nguồn thải, làm sạch bãi biển, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai. Cùng với đó, tạo sinh kế, phúc lợi cho người dân từ biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm – khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững biển Việt Nam.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao, cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển. Đồng thời, phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế, như: hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển,…

Thứ tư, tôn trọng các yếu tố đặc thù, các giá trị cốt lõi trong vùng và từng địa phương, bảo đảm tốt liên kết vùng trong phát triển “chuỗi” khu kinh tế biển đảo, chuỗi đô thị ven biển và chuỗi đô thị đảo. Mỗi địa phương cần tìm ra nét đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch từ biển hoặc liên kết giữa các địa phương để tạo thành chuỗi du lịch biển nhằm khai thác lợi thế chung. Tăng cường đầu tư vào giá trị tự nhiên, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học thông qua mở rộng diện tích và lập mới các khu vực bảo tồn biển; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Thứ năm, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, ngập lụt, xâm nhập mặn do triều cường, nước biển dâng cho các vùng duyên hải. Đồng thời, phải tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Trong đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển), từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển, bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống, như kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, hạ tầng nghề cá, công nghiệp đóng tàu,…

Thứ sáu, chú trọng tính tổng thể, toàn diện; phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự_ nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương ven biển với nhau, cũng như với các địa phương trong nội địa, qua đó tăng cường sự gắn kết, tạo thành chuỗi kết nối khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, địa phương và các vùng trong cả nước. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quản lý biển theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giảm thiểu tác động từ hoạt động của các ngành kinh tế khác đến môi trường và tài nguyên biển./.

Theo THS. HOÀNG VĂN KHẢI/Tạp chí Cộng sản

Hiệu Quả Phát Triển Kinh Tế Du Lịch Biển Đảo Việt Nam

Hoàng hôn trên biển Bãi Dài Phú Quốc (Ảnh: Pinterest)

Với sự ra đời và đi vào thực hiện của Nghị định số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế biển tại nhiều vùng đã có những bước phát triển toàn diện, tiêu biểu trong đó phải kể đến đảo ngọc Phú Quốc. Sự bùng nổ của kinh tế du lịch đã giúp nơi đây trở thành huyện “giàu nhất” tỉnh Kiên Giang và là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế biển xanh, tận dụng được triệt để lợi thế của du lịch biển đảo.

Bên cạnh đó, theo các số liệu thống kê của tổng cục du lịch thì với lượng khách tăng nhiều trong những năm qua và chiếm tới 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo đã và đang là hình thức du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Có thể nói chưa bao giờ Phú Quốc lại thu hút nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước như bây giờ. Riêng trong năm 2018 đã có trên 4 triệu lượt khách ghé thăm vượt hơn 1 triệu lượt so với năm 2017.

Nếu đến đảo Ngọc cách đây vài ba năm, ta chỉ thấy một hòn đảo đìu hiu, thưa vắng khách thì giờ đây khi nói đến đảo Ngọc người ta nhớ đến một vùng biển mộng mơ, trong xanh và đầy nên thơ. Để tạo nên cú chuyển mình đầy ngoạn mục đó là nhờ sự lớn mạnh không ngừng của du lịch biển đảo.

Các hệ thống nghỉ dưỡng “mọc” lên san sát khắp vùng đảo Ngọc. Từ chỗ chỉ có những làng chài xơ xác bên bãi biển, ngày nay Phú Quốc đã bước sang đẳng cấp khác khi sở hữu hàng loạt dự án tầm cỡ. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn đã được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước như Vinpeal, Safari…

Sự bứt phá mạnh mẽ nhất của huyện đảo Phú Quốc trong những năm qua là đầu tư khai thác tiềm năng du lịch vùng ven biển và hải đảo. Trong đó, nhiều dự án và công trình quan trọng đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước. Kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo cũng được quan tâm đầu tư, như các công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống cảng biển, trường học, trạm y tế và các dự án phát triển du lịch mang tầm quốc tế.

Nhờ sự đầu tư quy mô này mà lượng khách du lịch đổ về Phú Quốc ngày càng đông, đặc biệt là khách quốc tế. Năm 2019 số lượng khách ngoại tăng 68,4% so với năm 2017.

Cũng như Phú Quốc, chỉ vài năm trước khu vực ven biển Nhơn Lý – Eo gió chỉ là những đồi cát hoang, trập trùng nắng gió, còn Quy Nhơn chỉ là điểm trung chuyển để du khách dừng chân tạm thời trước khi đến với những địa danh nổi tiếng hơn. Bình Định có thể coi là một địa danh “lạ” trên bản đồ Việt Nam.

Eo Gió (Quy Nhơn) (Nguồn: www.24h.com.vn)

Và sau một vài năm với sự phát triển của kinh tế vùng miền, những dấu hiệu đổi thay đã bắt đầu xuất hiện. Những cồn cát trắng đẹp hơn nhờ sắc xanh của cỏ cây, hoa lá rồi lần lượt là sự ra đời của các khách sạn, sân golf, hồ bơi… Những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những khách sạn mọc lên nhanh chóng đã đem lại sức sống mới cho một vùng biển quanh năm chỉ thấy nắng, gió và cát bụi.

Nhờ những thước phim điện ảnh đặc sắc đã tô đậm thêm nét đẹp của Quy Nhơn, biến nơi đây trở thành một địa danh hấp dẫn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, cuộc sông của người dân vùng biển cũng ngày càng được cải thiện, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Năm 2018, tỉnh Bình Định đã đón hơn 4 triệu lượt khách, đạt doanh thu 3.301 tỷ đồng, tăng 54,7% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu đề ra 35,8%.

Nhờ sự phát triển của ngành du lịch đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh.

Sự thành công của Phú Quốc, Quy Nhơn đã đánh thức nhiều vùng biển khác như Phú Yên, Hà Tĩnh…tạo đà phát triển cho các vùng miền này.

Có thể nói du lịch biển đảo đã, đang và sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế của một nước có vùng biển dài và rộng trên thế giới, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260 km.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm năng đó, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam, Ủy viên hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho biển với các chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển dải đô thị biển và dự án nối liền mạch tuyến đường bộ ven biển chạy qua 28 tỉnh thành bắt đầu từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với tổng chiều dài 3.041km được khởi động.

Khi nhận thức về tiềm năng du lịch biển đảo đầy hứa hẹn ngày càng rõ ràng hơn, Đảng, nhà nước cùng nhân dân ta trong những năm gần đây đã đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú ven biển.

Hiện nay, khu vực ven biển đã có hơn 1.400 cơ sở lưu trú cung ứng với gần 50.000 buồng. Nhờ sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất cùng sự ra đời của hàng loạt các dịch vụ giải trí, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan và nghĩ dưỡng mỗi năm.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong giai đoạn 2000-2010, tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam du lịch tại các địa phương giáp biển là 75,3%, hay tính trung bình trên 75% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch biển đảo. Đối với khách du lịch trong nước, tỷ trọng này khiêm tốn hơn song cũng chiếm 54,5% tổng lượng khách du lịch trong nước.

Đặc biệt, kể từ năm 2000, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng khá trong cả doanh thu và số lượt khách du lịch, đóng góp một vị thế quan trọng vào sự phát triển này là nhờ du lịch biển.

Theo các số liệu thống kê, năm 2018, ngành du lịch đã đón khoảng 15,6 triệu khách quốc tế đến, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Theo thống kê, trung bình trên 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.

Top 20% các địa phương dẫn đầu chiếm tỷ trọng 75,8% tổng doanh thu du lịch lữ hành và trong top này tỷ lệ các địa phương giáp biển đã chiếm đến gần 82%.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Việt Nam xếp thứ 6/10 nước có tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới đầu năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.

Những thành quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trên lộ trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

4.500 Khách Quốc Tế Sắp Đến Việt Nam Bằng Đường Biển

Trong tháng 10 này, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ lữ hành Saigontourist sẽ đón khoảng 1.600 khách và thuyền viên (quốc tịch Ý, Tây Ban Nha, Anh) của tàu du lịch biển quốc tế Costa Victoria.

Ngoài ra, sẽ có 1.700 khách và thuyền viên (chủ yếu quốc tịch Mỹ) của tàu Voyager of the Seas và khoảng 1.200 khách và thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc) của tàu SuperStar Gemini lần lượt đến tham quan Việt Nam trong tháng 10-2013.

Tàu Costa Victoria sẽ tham quan Việt Nam theo hải trình Đà Nẵng – TPHCM – Mỹ Tho trong thời gian 3 ngày. Đây là lần thứ 8 tàu Costa Victoria đến Việt Nam kể từ đầu năm 2013 và là chuyến du lịch tàu biển quốc tế thứ chín thuộc hãng tàu Costa Crociere S.p.A đến Việt Nam trong năm 2013. Theo chương trình, sau khi cập cảng Tiên Sa – Đà Nẵng vào lúc 9h sáng ngày 17-10, du khách tàu biển Costa Victoria sẽ tham quan một vòng thành phố Đà Nẵng (city tour), khu du lịch Non Nước – Ngũ Hành Sơn; phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà; Di sản Văn hóa Thế giới – khu đền tháp Mỹ Sơn…

Vào lúc 18h00 cùng ngày, tàu Costa Victoria sẽ rời cảng Tiên Sa đi TPHCM. Dự kiến cập cảng SPCT (Hiệp Phước) vào lúc 8h ngày 19-10, du khách tàu biển Costa Victoria tham quan TPHCM với các điểm du lịch tiêu biểu như Bảo tàng Lịch sử, dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng – Quận 1 và chùa Bà Thiên Hậu – Quận 5, xưởng sơn mài Phương Nam, xem múa rối nước; địa đạo Củ Chi… Đến Mỹ Tho, khách đi đò đến xã Tân Thạch tham quan cảng cá, xưởng kẹo dừa, ghé trại nuôi ong thưởng thức trà mật ong và trái cây miệt vườn… Tàu sẽ rời TPHCM vào lúc 16h00 cùng ngày.

Tàu Voyager of the Seas cùng 1.700 khách và thuyền viên (chủ yếu quốc tịch Mỹ) dự kiến sẽ cập cảng Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu vào lúc 7h ngày 18-10, bắt đầu chuyến tham quan Việt Nam 2 ngày theo hải trình Vũng Tàu – TPHCM. Tại TPHCM, du khách tàu biển Voyager of the Seas sẽ đi thăm các điểm tham quan tiêu biểu như trên. Tại Vũng Tàu, khách viếng Niết bàn tịnh xá, đình Thắng Tam, Bạch Dinh… Con tàu du lịch biển thuộc hãng Royal Caribbean Cruise Lines này sẽ rời cảng Phú Mỹ vào lúc 18h00 ngày 19-10.

Trong khi đó, tàu SuperStar Gemini mang theo 1.200 khách và thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc) dự kiến sẽ cập cảng Hạ Long vào hồi 8h30 sáng ngày 28/10. Khách sẽ đi tham quan Vịnh Hạ Long với các danh thắng nổi tiếng như núi Bài Thơ, vụng Oản, hòn Mặt Quỷ, hòn Gấu Ngòi, Cổng Trời, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi, hang Thiên Cung; trường quay phim Đông Dương; làng chài Hòn Gai; mua sắm tại chợ phiên Bãi Cháy; tham quan Công viên Hoàng Gia và xem múa rối nước, ca múa nhạc truyền thống; viếng đền Cốc, thăm làng nghề đan thuyền thúng và làm lưới cá thủ công Hà Nam… Vào lúc 18h00 cùng ngày, con tàu thuộc hãng Star Cruises này sẽ rời Hạ Long đi Tam Á (Trung Quốc).

Tiếp đó, theo kế hoạch, vào ngày 24-12-2013, tại Phú Quốc, Lữ hành Saigontourist sẽ đón dự kiến 450 du khách quốc tịch Đức của tàu du lịch biển quốc tế Europa 2 đến tham quan Việt Nam theo hải trình 8 ngày, từ 24 đến 31-12. Đây là lần đầu tiên con tàu thuộc hãng Hapag-Lloyd này đến Việt Nam.

HNMO

Du Lịch Việt Nam Hội Nhập Cộng Đồng Kinh Tế Asean

(TCDL) – Ngày 22/11/2015, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ở Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đặt bút ký văn kiện lịch sử Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó nêu rõ “sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung”. Cộng đồng kinh kế ASEAN (AEC) cùng với Cộng đồng an ninh – chính trị và Cộng đồng văn hóa – xã hội là ba trụ cột tạo nên Cộng đồng ASEAN. Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất, sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Hội nhập AEC là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, qua đó mang lại những tác động tích cực tới Du lịch Việt Nam.

Khái quát các hoạt động hội nhập của Du lịch Việt Nam đóng góp vào quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Hội nhập quốc tế về du lịch của Việt Nam thời gian qua được triển khai theo hướng thúc đẩy ký kết và thực hiện các hiệp định thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ, cấp ngành song phương và đa phương, tranh thủ hợp tác, hỗ trợ của các nước thông qua các chương trình, dự án cụ thể và các cam kết mở cửa tự do hóa thương mại dịch vụ du lịch trong các khuôn khổ WTO, ASEAN, APEC, GMS…. Trong đó, ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất.

Du lịch Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và tham gia các cơ chế hợp tác từ cuối những năm 1990, sau khi gia nhập ASEAN (1995). Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong các nhóm/tiểu ban công tác du lịch từ đầu những năm 2000 và chủ động hội nhập từ cuối những năm 2000. Đối với các cam kết về thị trường, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn, dịch vụ phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2009, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) – sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN.

Đối với các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) (tại ATF 2009, tại Hà Nội) để làm cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch ASEAN và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong khu vực. Du lịch Việt Nam đã chủ động đóng góp vào việc triển khai MRA-TP chung của ASEAN thông qua việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP (2013). Du lịch Việt Nam đã tham gia xây dựng 130 sản phẩm du lịch chung để kết nối ít nhất 2 quốc gia trong ASEAN theo các nhóm chuyên đề như du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch đường biển và đường sông đồng thời tích cực triển khai Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2011 – 2015 với tiêu đề “Đông Nam Á – cảm nhận sự ấm áp” tập trung vào khai thác các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi, khách trong nội vùng ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Trưởng nhóm Marketing và Truyền thông du lịch ASEAN (2013-2014), hiện đang là Phó Trưởng nhóm Chất lượng dịch vụ du lịch, điều phối phát triển sản phẩm du lịch đường sông và Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch đường sông khu vực sông Mê Kông do UNWTO hỗ trợ ASEAN, điều phối triển khai Dự án xây dựng Hướng dẫn xây dựng và vận hành loại hình Boutique Hotel; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ASEAN thông qua việc phối hợp cùng các quốc gia thành viên phát triển và áp dụng các bộ tiêu chuẩn chung trong ASEAN như tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN, cơ sở lưu trú nhà dân ASEAN, nhà vệ sinh công cộng ASEAN, dịch vụ Spa ASEAN, tiêu chuẩn thành phố du lịch sạch ASEAN, tiêu chuẩn du lịch cộng đồng, hướng dẫn an ninh và an toàn du lịch ASEAN cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và lộ trình du lịch ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hàng năm, Du lịch Việt Nam tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX bên lề Diễn đàn Du lịch ASEAN, tham gia và có đóng góp tích cực tại các phiên họp định kỳ và họp chuyên đề. Bên cạnh ATF năm 2009, Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công cuộc họp chuyên đề về Marketing và Phát triển sản phẩm du lịch ASEAN (2013) và sẽ tiếp tục tổ chức phiên họp các nhóm công tác du lịch dự kiến vào tháng 4/2016. Bên cạnh các nội dung hợp tác du lịch ASEAN nói chung, Việt Nam còn tích cực và chủ động trong các cơ chế hợp tác du lịch tiểu vùng và giữa ASEAN với các nước, tổ chức đối tác. Các khuôn khổ hợp tác phổ biến là: Hợp tác kinh tế ACMECS (hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); Hợp tác GMS (còn gọi là chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc); Hợp tác CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); Hợp tác giữa ASEAN với các nước và tổ chức đối tác (ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ASEAN với Nga, ASEAN với Ấn Độ, ASEAN với Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, ASEAN với Ngân hàng phát triển châu Á ADB…), và hợp tác du lịch song phương để đóng góp vào cơ chế hợp tác du lịch trong ASEAN.

Tác động của việc hội nhập AEC đối với Du lịch Việt Nam

Qua quá trình hợp tác lâu dài cũng như những kết quả và lợi ích mang lại, có thể khẳng định rằng ASEAN cũng như AEC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. Với dân số hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau về tất cả các khía cạnh trong phát triển du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước. Mặc dù vậy, lợi ích của nước này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác mà ngược lại tạo cơ hội cho các nước khác.

Mặt khác, quá trình hợp tác để hình thành AEC đã góp phần nâng cao sự hiện diện và uy tín của Du lịch Việt Nam trong khu vực. Đồng thời, Du lịch Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước có ngành Du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore… AEC đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.

Hội nhập AEC mang lại những tác động tích cực đối với Du lịch Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực du lịch, trong đó việc phát huy những tác động tích cực của quá trình hội nhập sẽ quyết định hiệu quả của quá trình hội nhập du lịch trong AEC. Những tác động trên một số lĩnh vực chủ đạo được khái quát như sau:

– Nhìn chung, hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay và tranh thủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng và sự đa dạng của ẩm thực trong sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với phân đoạn thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn trong nước.

– Việt Nam đã tranh thủ được khá tốt hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách du lịch đến Việt Nam do tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung trong ASEAN. Hình ảnh và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN được nâng lên do sự chủ động tổ chức và khởi xướng các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch liên kết với các nước ASEAN. Thương hiệu quốc gia từng bước được cải thiện do các hoạt động tích cực của ngành Du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá.

– Triển khai MRA-TP là cơ hội rất tốt để Du lịch Việt Nam có động lực nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong nước đủ điều kiện làm việc hiệu quả tại các nước khác trong khu vực đồng thời cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong bối cảnh phát triển nhanh của du lịch trong nước, tranh thủ được nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực. Bên cạnh việc các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm hơn tới công tác đào tạo nhân lực của mình thì khối các cơ sở đào tạo về du lịch cũng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo du lịch góp phần phát triển liên tục nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian qua, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và từng bước cải thiện chất lượng phù hợp với nhu cầu hội nhập khu vực ASEAN.

– Đối với các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực ASEAN, một số doanh nghiệp lớn đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong khu vực trên cơ sở sự đa dạng của sản phẩm và đảm bảo về chất lượng. Các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) được đầu tư phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình dịch vụ, chất lượng được nâng lên tầm khu vực ở nhiều phân khúc đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung của sản phẩm du lịch ASEAN và Việt Nam nói riêng. Năng lực cạnh tranh trong khu vực của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình Lữ hành – Hàng không – Khách sạn. Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy), nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cũng như góp phần đảm bảo năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và gia tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành Du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và thậm chí cả khách du lịch nội khối cũng như khách du lịch quốc tế đến khu vực. Khi Việt Nam gia nhập AEC, Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực./.

Trần Phú Cường Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Du lịch