Năm 2018 vừa đi qua với những thành công đáng ghi nhận và cả những thách thức đầy trăn trở của du lịch Thừa Thiên Huế. Bên cạnh những thắng lợi chung của ngành Du lịch cả nước, du lịch Huế đã có những chuyển biến tích cực tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức thu hút đối với du khách về một điểm đến du lịch di sản văn hóa – xanh – thân thiện.
Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, ông Lê Hữu Minh – Quyền GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã có những chia sẻ về những cơ hội cũng như khó khăn, thách thức và định hướng phát triển của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian sắp đến.
– Thưa ông, năm 2018 được xem là năm tăng trưởng ấn tượng của du lịch Thừa Thiên Huế. Tiếp nối những thành công đáng ghi nhận ấy, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đã đặt ra những mục tiêu và kế hoạch cụ thể nào trong năm 2019?
+ Năm 2019 là năm thứ ba Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03-NQ/TƯ ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết ra đời đã trở thành kim chỉ nam và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của du lịch Thừa Thiên Huế trong các năm về sau.
Trên cơ sở Nghị quyết, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Huế là Kinh đô của lễ hội và ẩm thực; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động của dự án hệ sinh thái du lịch thông minh thuộc Đề án thành phố thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển du lịch.
Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa di sản, tập trung khu vực Đại nội nhằm phục hồi và tái hiện không gian văn hoá Cung đình và vùng phụ cận theo xu hướng xã hội hóa các nguồn lực. Triển khai thí điểm chủ trương tổ chức Festival 4 mùa, tiến đến việc hình thành những sản phẩm du lịch định kỳ thường niên của Huế. Nghiên cứu hình thành các trung tâm du lịch (mô hình “stop and go”) trên địa bàn thành phố Huế phục vụ nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tại chỗ vừa thực hiện công tác quảng bá cho du lịch địa phương.
Một số dự án lớn như các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf của các tập đoàn, công ty lớn như Minh Viễn, Spirit Sanctuar, PSH, Logi3, Laguna, My Way, Ecopark,…thị trường đang tích cực được triển khai; Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch như đường tiếp cận điểm du lịch Thủy Biều, đường vào Lăng Gia Long, suối Voi, suối Mơ, một số tuyến đường kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đối với Dự án hạ tầng du lịch sông Mê Công mở rộng giai đoạn II; nâng cấp các bến thuyền sông Hương và đầm phá; tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài giai đoạn 2018-2020…
– PV: Theo ông, việc thay đổi phương pháp, hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cho phù hợp với thực tế có được đặt ra và thực hiện trong năm 2019 không thưa không?
+ Việc thay đổi phương pháp, hình thức xúc tiến quảng bá du lịch cho phù hợp với thực tế là vấn đề cấp thiết. Trong năm 2019, trên cơ sở các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá các thị trường trọng điểm được thực hiện trong năm 2018, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục quảng bá, xúc tiến thị trường Đông Bắc Á và thị trường ASEAN thông qua hình thức tham gia Hội chợ Hanatour tại Hàn Quốc, hội chợ Travex 2019 và hội chợ JATA Nhật Bản. Ngoài ra, sẽ mời blogger nổi tiếng làm phim giới thiệu điểm đến Thừa Thiên Huế, Festival Nghề truyền thống Huế 2019 để quảng bá trên các trang mạng xã hội; vận hành, khai thác phòng truyền thông media: sản xuất ấn phẩm điện tử, clip quảng bá du lịch. Biên dịch thông tin điểm đến, dịch vụ du lịch bằng 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản; Xuất bản và tái bản ấn phẩm phục vụ công tác xúc tiến quảng bá tại các hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước.
Với kế hoạch cụ thể được được đề ra, Lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2019 dự báo đạt khoảng 4,5- 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% – 45%); khách lưu trú đạt từ 2,2 – 2,3 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt từ 4.700 – 4.900 tỷ đồng, doanh thu xã hội ước đạt 12 – 13 nghìn tỷ đồng.
– Được biết, trong năm 2019, việc xây dựng đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực Việt” là một trong những công việc được ngành du lịch Thừa Thiên Huế quan tâm, chú trọng. Xin ông cho biết cụ thể đề án này sẽ được triển khai như thế nào?
+ Huế từ lâu là một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm của địa phương. Huế được nhiều khách trong nước và quốc tế biết đến như một điểm đến thân thiện, mến khách, một trong những địa phương tiềm năng lớn của du lịch cả nước, tiềm ẩn những giá trị hấp dẫn, độc đáo, tính khác biệt, nổi trội của vùng đất kinh kỳ. Huế không chỉ nổi tiếng bởi quần thể di tích nhà Nguyễn, các kiến trúc cổ truyền độc đáo, các danh lam thắng cảnh, Huế còn có một di sản ẩm thực phong phú và một nền văn hóa ẩm thực tinh tế bậc nhất Việt Nam.
Ngày nay, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch. Bản sắc riêng của ẩm thực được khai thác triệt để trong quá trình tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh của một điểm đến, giúp tạo nên cảm giác khác biệt của du lịch Thừa Thiên Huế. Đây không chỉ là thế mạnh, mà còn là một tiềm năng phong phú vô tận cần được khai thác đúng mức.
Trước bối cảnh và xu hướng đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định xây dựng Đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” để trở thành một quyết sách có hiệu lực với quan điểm phát triển đột phá, đáp ứng được những yêu cầu mới về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại và tương xứng với tiềm năng, khẳng định vị thế và sự đa dạng của ẩm thực Huế trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong khu vực.
Hiện nay, Đề án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 về việc phê duyệt Đề cương Đề án đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030. Sở Du lịch được giao phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng nội dung cụ thể của Đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt vào Quý II năm 2019 trước khi triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án cũng là cơ hội để vận động, thu hút được cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp cùng tham gia giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế, thúc đẩy phát triển du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội, tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc của riêng Huế, hình thành một số khu ẩm thực tại một số tuyến phố đi bộ và tại một số điểm tham quan du lịch, thực hiện thành công Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
Việc xây dựng Đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” nhằm quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, Xây dựng và quảng bá thương hiệu ẩm thực Huế với các giá trị văn hóa và sản phẩm du lịch ẩm thực khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế và sự đa dạng của văn hóa ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.
Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp ở vùng ven biển, đầm phá ở Chân Mây – Lăng Cô và Bạch Mã để bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế.
Tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa: Du lịch văn hóa di sản tìm hiểu và khám phá các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng và các công trình kiến trúc độc đáo; du lịch sinh thái; đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm; du lịch MICE…
Phát triển các sản phẩm du lịch mới: Đầu tư phát triển các công viên chuyên đề, tổ chức các sự kiện lớn, liên hoan văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh, trình diễn ánh sáng.Các sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch mạo hiểm; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; du lịch golf; du lịch thể thao, giải trí, hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng: Trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa.
– Trong những năm gần đây, thị phần khách du lịch đến Thừa Thiên Huế có sự chuyển dịch lớn, trong đó phải kể đến thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn quốc. Hiện tại ngành du lịch địa phương có kế hoạch gì để tiếp tục khai thác tốt “con gà đẻ trứng vàng” này?
+ Mỗi thị trường, khách du lịch sẽ có xu hướng khác nhau. Tuy cùng khu vực Đông Bắc Á nhưng người Nhật Bản và người Hàn Quốc có những xu hướng du lịch khác nhau. Vì vậy, để có một chiến lược khai thác thị trường khách Đông Bắc Á, cần thiết phải nghiên cứu đến nhu cầu, thị hiếu và tâm lý tiêu dùng của thị trường này để hình thành và phát triển các sản phẩm thích hợp với phân đoạn thị trường của các nước trong khu vực này
Người Nhật có xu hướng du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, sự kiện), du lịch thực tế (trải nghiệm nét đẹp trong sinh hoạt của người dân địa phương), du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp (Spa), mua sắm và ẩm thực.
Còn người Hàn Quốc có xu hướng đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, tham gia lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của địa phương.
Do vậy, như đã trả lời ở câu hỏi trên, việc đa dạng hóa, phát triển sản phẩm nhằm thu hút khách quốc tế cũng chính là nhằm vào thị trường Đông Bắc Á.
– Xin cảm ơn ông!
Lê Chung (Thực hiện)