Du lịch – ngành công nghiệp “không khói”, là con gà đẻ trứng “vàng” của mọi quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, do vậy cần phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển, hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Và để hoàn thành mục tiêu này, chắc chắn du lịch là một ngành thiết yếu không thể thiếu để đẩy mạnh phát triển đất nước trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhằm mang lại nguồn thu lớn và sự thay đổi mạnh mẽ mọi mặt nền kinh tế – xã hội.
Để hiện thực hóa những kế hoạch, mục tiêu trên, trước hết cần tập trung thu hút khách du lịch vào các địa điểm du lịch nổi tiếng, các trung tâm du lịch trên cả nước. Trong đó, Huế nổi bật lên như một trung tâm du lịch của miền trung, một thành phố đẹp của cả nước. Du lịch mang lại trên 60% nguồn thu cho Huế, đây là một con số không nhỏ so với hiệu quả mà một ngành dịch vụ như du lịch mang lại, có thể khẳng định rằng du lịch là nguồn thu sống còn của Huế. Nó góp phần lớn vào sự phát triển của Thành phố Huế cũng như Tỉnh Thừa Thiên Huế, là tiền đề cho các hoạt động văn hóa – chính trị – xã hội, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế địa phương phát triển.
Số lượng và chất lượng lăng tẩm nhiều là thế, cho nên đây chính là nguồn tài nguyên du lịch chính thúc đẩy du lịch Huế phát triển, bất cứ du khách nào mỗi lần đến với Huế đều mong muốn được viếng lăng một lần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những gì mà du lịch Huế làm được vẫn chưa tương xứng với sự “giàu có” sẵn có trong nó. Với một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn lớn, đặc biệt là số lượng lăng tẩm đồ sộ và có chất lượng, thế nhưng số lượng du khách viếng thăm lăng vẫn còn hạn chế, chưa khai thác một cách có hiệu quả những giá trị của các lăng tẩm cũng như trong quá trình khai thác xuất hiện hàng loạt những khó khăn bất cập nảy sinh.
Chính bởi tầm quan trọng lớn lao của ngành du lịch đối với Huế cũng như cả nước, vai trò nòng cốt của lăng tẩm trong phát triển du lịch Huế và những tồn tại thực tiễn xung quanh việc khai thác lăng tẩm. Đây là lý do em xin mạnh dạn đề xuất đề tài ” Thực trạng khai thác và những giải pháp phát triển du lịch tại các lăng tẩm Huế”
Lăng tẩm Huế là một vấn đề không mới bởi lẽ chúng có niên đại hàng trăm năm, và thực tế có hàng loạt nhà nghiên cứu, học giả, sách báo nói về các vấn đề xung quanh chúng như:
Hàng loạt những cuốn sách hay và nổi tiếng về Huế và lăng tẩm Huế đã được xuất bản, tuy nhiên trong đó nổi bật lên 2 nhà “Huế học” là Nguyễn Đắc Xuân và Phan Thuận An như:
“Chín đời chúa mười ba đời vua Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân viết về các vị chúa và vua Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa vào năm 1996.
“Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”, Viện sử học, 1992 cũng do ông Nguyễn Đắc Xuân là tác giả.
Nhà “Huế học” Phan Thuận An thì cho ra đời những ấn phẩm nổi tiếng về các lăng tẩm Huế như:
Quần Thể Di Tích Huế (Việt Nam – Di Sản Thế Giới), Nhà xuất bản Trẻ, 2005.
Huế Xưa Và Nay Di Tích – Danh Thắng, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2008.
Có nhiều tạp chí viết bài về lăng tẩm Huế, trong đó xuất hiện hai tờ tạp chí tiêu biểu là Tạp chí Huế xưa và nay với 7 bài nói về 7 lăng tẩm các vị vua Nguyễn và Tạp chí Sông Hương với bài viết đáng chú ý do Phan Hương Thủy viết “Vài suy nghĩ quanh lăng tẩm Huế” ngày 6/12/2011.
Còn về báo, bài báo ra ngày 25/5/2007 do http//: “Lăng tẩm những vị vua triều Nguyễn” có những nhận định hay về lăng tẩm Huế hoặc theo Việt Báo ngày 31/3/2007 cũng cho ra bài “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung” do Thanh Tùng viết.
Đánh giá thực trạng khai thác du lịch tại các lăng tẩm Huế nhằm đem lại một lượng kiến thức khoa học, chính xác, đầy đủ về chúng.
Đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch tại các lăng tẩm Huế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Huế phát triển.
Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu thực trạng, đánh giá cơ hội và thách thức để phát triển du lịch tại các lăng tẩm ở Huế từ đó đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển.
Phạm vi không gian được giới hạn đối với các lăng tẩm ở Huế. Bên cạnh đó đề tài còn kết hợp nghiên cứu các tour và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Đề tài nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch tại các lăng tẩm ở Huế từ năm 2005 – 2012.
Trong quá trình nghiên cứu các phương pháp chủ yếu được sử dụng:
– Phương pháp thống kê: Các số liệu tư liệu được sưu tầm ở nhiều nguồn khác nhau vì vậy các số liệu đó cần được thống kê lại và sử dụng nhằm phân tích để đánh giá thực trạng và có cơ sở cho việc định hướng phát triển du lịch tại các lăng tẩm ở Huế.
– Phương pháp khảo sát thực địa: Thông qua phương pháp này thông tin được thu thập có độ chính xác cao hơn, thuyết phục trong nghiên cứu. Đồng thời nhằm kiểm tra lại độ chính xác của các tư liệu trong nghiên cứu.
– Phương pháp chuyên gia: Việc tranh thủ ý kiến của các lãnh đạo, chính quyền, cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu là những kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào nghiên cứu. Công việc này rút ngắn quá trình điều tra phức tạp, đồng thời bổ sung cho các phương pháp điều tra cộng đồng.
Đề tài góp phần vào việc phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch tại các lăng tẩm ở Huế. Đề tài cũng đưa ra những giải pháp nhằm phát triển du lịch tại các lăng tẩm ở Huế. Đây là nguồn tài liệu quan trọng góp phần vào việc giúp các nhà chức trách, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có cái nhìn tổng quát hơn về du lịch tại các lăng tẩm ở Huế, từ đó có chiến lược phát triển thích hợp mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế thành phố.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo đề tài được chia làm ba chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về du lịch
Chương 2. Thực trạng khai thác du lịch tại các lăng tẩm ở Huế
Chương 3. Giải pháp khai thác du lịch tại các lăng tẩm ở Huế
Sở văn hóa thể thao du lịch Thừa Thiên Huế,