Phát Triển Du Lịch Bạc Liêu Trong Tình Hình Mới
--- Bài mới hơn ---
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo nhiều việc làm; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh đất, văn hóa, con người Bạc Liêu năng động, hiếu khách, thân thiện trọng nghĩa, trọng tình. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Bạc Liêu thu nhập xã hội từ du lịch, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GDP của tỉnh và năng lực cạnh tranh của du lịch còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn thấp. Mặt khác, nhận thức về phát triển du lịch ở một số nơi còn hạn chế; sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa phát huy đầy đủ; hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá chưa cao, nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư cho du lịch chưa tương xứng; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời; tình hình an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại một số điểm đến chưa được duy trì thường xuyên có hiệu quả.
Để khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh nhà, tận dụng cơ hội thuận lợi trong nước, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới đưa ngành du lịch Bạc Liêu phát triển nhanh, hiệu quả trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chất động lực. Vai trò của Ngành VHTTDL cùng với các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.
Tại các địa phương trọng điểm về du lịch như trung tâm thành phố Bạc Liêu, huyện Giá Rai tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.
Thực trạng hiện nay Bạc Liêu là một trong những tỉnh có sản phẩm thương hiệu văn hóa du lịch đặc trưng nhiều nhất trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL khá sinh động theo các dòng sản phẩm như sản phẩm văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, nghệ thuật đờn ca tài tử, Công tử Bạc Liêu, sinh thái rừng biển, Điện gió, các công trình nghệ thuật kiến trúc lâu đời và hiện đại chính điều đó chúng ta cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng để chẳng những được duy trì mà còn phát huy được hiệu quả. Chiến lược chất lượng thể hiện ở từng chi tiết sản phẩm, từng phân khúc trong chuổi dịch vụ và trong tổng thể điểm đến. Chất lượng dịch vụ phải được đo bằng sự hài lòng của khách, chất lượng điểm đến chỉ có thể đánh giá bằng giá trị trãi nghiệm mà du khách tiếp nhận được. Như vậy nhu cầu và sự kỳ vọng của du khách là tối thượng phải được đáp ứng thỏa mãn trong môi trường luôn luôn biến đổi. Du khách là trung tâm thì mục tiêu phát triển bền vững phải đảm bảo sự cân đối giữa việc làm hài lòng khách với lợi ích của điểm đến trong đó chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều có vai trò quyết định tạo điều kiện thuận lợi nhất tháo gỡ những rào cản tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức và chung tay cải thiện môi trường du lịch văn minh, thân thiện, an toàn…Chiến lược phát triển tư duy các sản phẩm được chuyển hóa thành chiến lược hành động trong từng lĩnh vực. Về thị trường phân đoạn theo mục đích, động cơ du lịch nhắm tới thị trường khách nghĩ dưỡng dài ngày, do đó cần nghiên cứu những sản phẩm tương ứng với những phân đoạn thị trường mục tiêu hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng, khác biệt huy động mọi người cùng tham gia cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó cần quan tâm quản lý quy hoạch đúng theo định hướng phát triển khu, điểm du lịch tôn trọng tính đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học và không gian khác biệt, nhưng đòi hỏi có sự kết nối tinh tế đặc biệt coi trọng các yếu tố bản địa và cuộc sống của cộng đồng dân cư. Đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực lấy kỷ năng chuyên nghiệp làm trọng trong tương tác với du khách, quản trị liên kết kỷ năng nghề làm nền tảng, tập trung phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỷ thuật kết hợp với các yếu tố truyền thống với các yếu tố hiện đại lồng ghép hài hòa với các yếu tố vùng, địa phương trong tỉnh nhằm nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong điều kiện kinh doanh cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong cùng một sản phẩm.
Thực trạng tình hình du lịch tỉnh Bạc Liêu trong những năm gần đây xác định rõ du lịch Bạc Liêu “Điểm hẹn văn hóa” do vậy các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu nội hàm sản phẩm nhằm hướng tới bảo tồn sức mạnh văn hóa nội sinh. Đồng thời cải tạo nâng cấp hoàn thiện các công trình dự án, chỉnh trang diện mạo văn minh đô thị, văn hóa nông thôn, kích thích đầu tư phát triển sản phẩm ngành nghề gắn liền với tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỷ thuật đáp ứng thỏa mãn tối đa nhu cầu của du khách, tạo ra sức lan tỏa có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi những sản phẩm văn hóa đặc trưng khác biệt làm cho du khách cứ mỗi lần quay lại chiêm ngưỡng và hưởng thụ thấy được chiều sâu của sự tinh tế sáng tạo mới lạ luôn luôn hấp dẫn.
Bài: Minh Huấn
--- Bài cũ hơn ---