Một Số Vấn Đề Về Quy Hoạch Và Phát Triển Du Lịch Biển Việt Nam Hiện Nay
--- Bài mới hơn ---
Ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên biển và điều kiện tự nhiên với 3.260 km bờ biển, xếp thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới, có vùng biển rộng gần 1 triệu km2 và khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, với tổng diện tích 1.700 km2 có nhiều bãi tắm trải dài ven biển Việt Nam. Trung bình cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, trong khi đó thế giới là 600 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Trong số hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ của nước ta, có 3 đảo diện tích lớn hơn 100 km2, 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 82 đảo có diện tích hơn 1 km2 và khoảng 1.400 đảo chưa có tên.
Vùng biển và ven biển nước ta có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế quan trọng đối với các nước trong khu vực và toàn thế giới. Đây là tuyến hàng hải chủ yếu thông thương giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương với các hoạt động hàng hải thương mại mạnh mẽ trên khu vực biển Đông. Dọc bờ biển theo thống kê có 125 bãi biển có đủ điều kiện, quy mô tầm cỡ quốc tế, thuận lợi cho việc tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi trong những kỳ nghỉ của du khách. Các bãi biển Việt Nam đều bằng phẳng, nguyên sơ, cát, nước trong xanh, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ. Sự kết hợp hài hòa giữa các cảnh quan thiên nhiên trời đất ban tặng với cảnh quan văn hóa, xã hội của con người ở vùng biển và các hải đảo cùng với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, thời tiết đã tạo ra một lợi thế quan trọng để phát triển ngành du lịch biển đảo ở Việt Nam có ưu thế hơn hẳn các loại hình du lịch khác.
Ở các khu vực ven biển của cả nước tập trung khoảng 70% các điểm, khu du lịch. Trong đó, có nhiều khu du lịch biển cao cấp, nổi tiếng như: Tuần Châu (Hạ Long), Vạn Chài (Thanh Hóa), Mũi Né (Bình Thuận), Côn Đảo (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)…. Hàng năm du lịch trên biển đảo thu hút một lượng khách tương đối đông cả trong nước và quốc tế với khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó có hơn 3 triệu khách nước ngoài, bằng 73% số khách du lịch nước ngoài của cả nước, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/ năm, giải quyết việc làm cho hơn 15 vạn lao động. Thu nhập từ ngành kinh tế du lịch cũng đạt tương đối cao, năm 2006 thu nhập từ ngành này là 51 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng phát triển mạnh và có các loại hình phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch đến năm 2007, cả nước đã có 8.556 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 170.551 buồng, tăng 25 lần so với năm 1990 với tốc độ bình quân là 12,6%/ năm. Chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch cũng có chuyển biến mạnh. Trong tổng số 4283 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đến hạng 5 sao. Cụ thể là: 25 khách sạn 5 sao với 7.167 buồng, 69 khách sạn 2 sao với 24.041 buồng, 632 khách sạn 1 sao với 16.976 buồng và 2.830 khách sạn đạt tiêu chuẩn tối thiểu với 42.697 buồng. Toàn ngành du lịch đã thu hút 230.000 lao động trực tiếp, trong đó lao động làm việc trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là 120.000 người.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 Đảng ta đã xác định có 7 khu vực được ưu tiên phát triển du lịch biển đảo, trong đó có 5 khu vực thuộc ven biển, bao gồm: Vịnh Hạ Long – Cát Bà – Đồ Sơn; Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam; Đại Lãnh – Vân Phong – Nha Trang; Vũng Tàu – Long Hải – Công Đảo; Rạch Giá – Phú Quốc.
Ngay từ năm 1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt. Đến Đại hội IX của Đảng đã xác định:” Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục dịa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển” (1). “Phát triển mạnh và phát huy vai trò chiến lược của kinh tế biển kết hợp với bảo vệ vùng biển” (2). Đại hội X của Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế” (3). Tuy nhiên, du lịch biển đảo Việt Nam hiện nay vẫn còn có những hạn chế nhất định như: nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo và du lịch biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp, các ngành và nhân dân còn chưa đầy đủ. Chúng ta đã có quy hoạch các vùng ven biển đảo, song nhìn chung còn phát triển manh mún chưa đồng bộ. Do đó, trong quá trình phát triển du lịch biển đảo góp phần vào phát triển nền kinh tế chung của đất nước ở một số vùng, địa phương còn diễn ra một cách tự phát, thiếu tính bền vững. Có những nơi du lịch nổi tiếng bị san lấp, xâm hại làm tổn thương nghiêm trọng đến môi trường sinh thái như sự kiện Vịnh Nha Trang – một trong những di sản văn hóa của đất nước rộng hơn 56 ha, hiện đang bị san lấp hoàn toàn để lập khu dân cư Phú Quý (gần 80 ha) với dân số 12.000 người. Hiểu biết pháp luật về biển và ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường biển của người dân còn yếu kém. Nhiều nơi bãi biển cư dân còn làm nơi đổ rác thải, làm ô nhiễm môi trường sống của sinh vật và cả con người.
Ở nước ta hiện nay hầu hết các cảng biển là cảng hàng hóa, chưa có cảng chuyên biệt cho tàu du lịch. Nhiều cảng tàu có trọng tải lớn không thể cập bờ nên phải di chuyển khách bằng cano hoặc tàu du lịch mất nhiều thời gian, công sức, giảm cảm hứng cho khách du lịch. Cơ sở hạ tầng vật chất của cầu cảng chưa được đầu tư đúng mức, các dịch vụ tại cảng còn hạn chế không đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn du khách tàu biển. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục quảng bá về du lịch biển đảo Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Chưa đào tạo được đội ngũ chuyên gia giỏi về ngành du lịch biển đảo. Du lịch Việt Nam chưa tham gia các hội nghị, hội chợ chuyên về du lịch biển và tàu biển trên thế giới. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng biển đảo chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực trong dân dồi dào nhưng chưa được đào tạo, sử dụng để phục vụ cho ngành du lịch biển. Hơn nữa, du lịch biển đảo Việt Nam còn yếu và thiếu về phương tiện vận chuyển, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có kinhn ghiệm và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ ít thông dụng, do đó việc bán vé và thực hiện các chương trình tham quan cho khách còn khó khăn, hạn chế.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua chiến lược biển Việt Nam đến năm 2022. Trong đó, mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2022 là “Phấn đấn đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh” (4). Cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2022 kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước, trong đó riêng của kinh tế trên biển khoảng 21 – 23%” (5). Với mục tiêu chung đó, du lịch biển đảo là ngành có đóng góp quan trọng. Muốn đạt được chỉ tiêu như đã đề ra, chúng ta cần phải có một số giải pháp đồng bộ về quy hoạch và phát triển du lịch biển đảo như:
Để tăng cường công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường biển cho nhân dân, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên dành một thời gian thích hợp cho chuyên mục này, để mỗi người dân được thông tin về môi trường và ô nhiễm môi trường nói chung và biển nói riêng, giúp mỗi người nâng cao nhận thức và có trách nhiệm của mình đối với sự trong lành của biển và cuộc sống của con người.
Như vậy, quy hoạch và phát triển du lịch biển đảo Việt Nam hiện nay là một vấn đề quan trọng, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, và nhận thức, ý thức tự giác của mọi người dân. Nhà nước cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch phát triển biển đảo Việt Nam, tạo nên một môi trường biển trong sạch, lành mạnh thì mới có thể thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ mát. Có như vậy du lịch biển đảo Việt Nam mới góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
1/ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr 181.
2/ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr 95.
3/ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr 225.
4/ Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Lưu hành nội bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, tr 94 – 95.
5/ Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các nghị quyết hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Lưu hành nội bộ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2007, tr 95.
--- Bài cũ hơn ---